Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới giá vàng

admin

Administrator
Nhân viên
Trong tuần qua, giá USD đã điều chỉnh trở lại sau khi FED cho thấy họ có ý định tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp thêm một khoảng thời gian nữa. Điều này góp phần giúp giá vàng tăng lại vào giữa tuần nhưng không thể vượt qua các mức cản kỹ thuật. Một nguyên nhân là do đồng USD đã ổn định lại và sức ép giảm giá đồng USD đã giảm bớt sau khi một số chỉ số chứng khoán chủ chốt của thế giới giảm trở lại. Trong thời gian sắp tới, yếu tố dự đoán về lạm phát và yếu tố lãi suất USD sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định xu thế giá vàng.


Dự đoán lạm phát tăng hỗ trợ vàng tăng giá

Yếu tố cơ bản sâu xa khiến vàng vẫn được nhà đầu cơ quốc tế ưa chuộng là họ dự đoán khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục trên thị trường nhà và thị trường hàng hóa thô (bao gồm dầu thô) thì vàng sẽ tăng giá do nỗi lo lạm phát tăng lên và vàng là công cụ bảo toàn giá trị khi có lạm phát cao. Theo diễn biến xu thế tăng giá của một số kim loại và giá dầu thô, cộng với việc Mỹ tiếp tục duy trì lãi suất thấp và đã bơm vào nền kinh tế một lượng lớn tiền, sẽ có lý do để các nhà đầu cơ tiếp tục duy trì mục tiêu đẩy giá vàng lên.

Lãi suất USD: sẽ là yếu tố quan trọng để kềm hãm giá vàng

Lãi suất USD tăng sẽ là một yếu tố khiến đồng USD được hỗ trợ (với điều kiện các nước khác không tăng lãi suất đồng tiền của mình). Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, nhiều khả năng Mỹ sẽ là nước đầu tiên trong số các nền kinh tế đầu tàu tăng lãi suất vì Nhật, Châu Âu, Anh và Canada vẫn còn khó khăn. Như vậy, nếu lãi suất USD tăng trong bối cảnh các nước khác không tăng lãi suất vừa có tác dụng hãm đà giảm giá của đồng USD, ngoài ra cũng có tác dụng giới hạn bớt sức ép lạm phát, do đó sẽ là nhân tố kềm hãm đà tăng giá của vàng.

Nhu cầu đầu cơ vào vàng để đón mùa lễ hội: Yếu tố hỗ trợ ngắn hạn

Ngoài hai yếu tố trên thì trong ngắn hạn, do mùa lễ hội Ấn Độ sắp đến trong tháng 10, nhu cầu về vàng được dự đoán sẽ tăng nên nhiều nhà đầu tư cũng đã gia tăng đầu cơ vào vàng. Một mức sụt giảm lại của giá vàng từ mức cao trên 960 USD tạo ra cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng mua vào. Yếu tố này trong thời gian ngắn sẽ hỗ trợ cho giá vàng.

Nhu cầu tài sản có rủi ro của nhà đầu tư: sẽ tạo sức ép giảm giá USD, hỗ trợ vàng

Với tình hình nhiều thông tin thuận lợi về kinh tế và mức lời của các doanh nghiệp, và những dự đoán về khả năng thị trường nhà ở Mỹ và châu Âu sẽ ít xấu hơn, thì nhu cầu về các tài sản có rủi ro sẽ tiếp tục tăng và do đó sẽ khiến đồng USD tiếp tục bị áp lực giảm giá. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dòng tiền chuyển từ USD sang các tài sản có rủi ro như chứng khoán và nhà đất nhiều khả năng sẽ ổn định lại, và chính phủ Mỹ có thể tăng lãi suất USD khi có nhiều tín hiệu hồi phục hơn, do đó yếu tố này có thể sẽ đóng vai trò ít quan trọng hơn so với thời gian vừa qua. Sức ép của dòng tiền chuyển từ USD sang cổ phiếu vì vậy có thể sẽ yếu hơn và do đó yếu tố này có thể không tạo áp lực quá lớn lên USD như mấy tuần trước nữa.

Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng tình hình kinh tế sẽ đột ngột chuyển xấu (khả năng này khá thấp), khi đó dòng tiền sẽ quay ngược từ cổ phiếu về USD và tài sản an toàn khác. Khi đó đồng USD sẽ tăng giá lại và có thể hạn chế sức tăng của vàng. Nhưng khả năng xảy ra tình huống này không cao lắm.

Sức mạnh đồng USD trong ngắn hạn so với những đồng tiền khác

Hiện tại, chỉ số USD-Index đã duy trì ở trên mốc 78,5 khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu đồng USD đã hình thành một mẫu hình song đáy và sẽ bắt đầu tăng lại so với các đồng tiền khác. Yếu tố kỹ thuật này cũng xuất hiện cùng lúc với việc kinh tế Mỹ tỏ ra hồi phục khá hơn các nền kinh tế châu Âu, Nhật và Anh, nên khả năng lãi suất USD tăng trước các đồng tiền khác cũng cao. Vì vậy, nếu chỉ số USD-Index vượt qua mốc 79,5 thì đó có thể là tín hiệu cho thấy đồng USD sẽ bắt đầu một giai đoạn tăng giá lên khu vực 81 và 83. Nếu điều này xảy ra, thì đà tăng giá của vàng sẽ bị hạn chế.

Hồ Quốc Tuấn – Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh
 
Bên trên